CÔNG TY TNHH TƯ VẤN VÀ TRUYỀN THÔNG UNIBRAND

ĐÁNH GIÁ TÍNH TƯƠNG TỰ CỦA SẢN PHẨM, DỊCH VỤ KHI ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU

1283 lượt xem

Trong quá trình thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu để đưa ra kết luận việc dấu hiệu (nhãn hiệu) yêu đăng ký có đáp ứng hay không đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ, ngoài việc đánh giá khả năng phân biệt về cấu trúc, cách phát âm, ý nghĩa và hình thức thể hiện của nhãn hiệu đó mà còn cần đánh giá cả tính tương tự của sản phẩm, dịch vụ. Do đó việc đánh giá tính tương tự của sản phảm, dịch vụ khi đăng ký nhãn hiệu là yếu tố quan trọng quyết định ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng đăng ký của nhãn hiệu. Vậy căn cứ vào đâu để đánh giá được sự tương tự của sản phẩm/dịch vụ, dưới đây là một số thông tin cơ bản trong việc đánh giá đó:

Hai sản phẩm hoặc dịch vụ được coi là TRÙNG NHAU khi hai sản phẩm hoặc hai dịch vụ đó thuộc một chủng loại.

Ví dụ: Dịch vụ cung cấp thực phẩm, đồ uống do nhà hàng thực hiện – dịch vụ quán nước giải khát, quán phở, quán cơm;…

Hai sản phẩm hoặc hai dịch vụ được coi là TƯƠNG TỰ khi hai sản phẩm/dịch vụ đó có các đặc điểm sau đây:

  • Có cùng bản chất (thành phần, cấu tạo….) hoặc cùng chức năng, mục đích sử dụng; Ví dụ: Quần – áo; giày – dép;  mũ – nón;…
  • Có bản chất gần giống nhau và cùng chức năng, mục đích sử dụng. Ví dụ: Bún – miến – phở – gạo; trà (chè) – trà sữa; cát – sỏi, sắt – thép,…
  • Tương tự nhau về bản chất. Ví dụ: Bánh – kẹo – mứt khô; ca cao – socola;…
  • Tương tự nhau về chức năng, mục đích sử dụng. Ví dụ: dịch vụ thẩm mỹ viện, spa – dịch vụ mua bán mỹ phẩm, bộ mỹ phẩm;…
  • Được đưa ra thị trường theo cùng một kênh thương mại (phân phối theo cùng một phương thức, được bán cùng nhau hoặc cạnh nhau, trong cùng một cửa hàng) hoặc được dùng cùng nhau. Ví dụ: bàn chải – kem đánh răng; cửa gỗ – bản lề cửa; nước mắm – nước tương; chăn – ga – gối;…

Một sản phẩm và một dịch vụ bị coi là TƯƠNG TỰ nhau nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Giữa chúng có mối liên quan với nhau về bản chất (sản phẩm, dịch vụ hoặc nguyên liệu, bộ phận của sản phẩm, dịch vụ này được cấu thành từ sản phẩm, dịch vụ kia) Ví dụ: dịch vụ thiết kế thời trang – quần áo; ô tô – dịch vụ bảo trì, sửa chữa xe cộ;…
  • Giữa chúng có mối liên quan với nhau về chức năng (để hoàn thành chức năng của sản phẩm, dịch vụ này phải sử dụng sản phẩm, dịch vụ kia hoặc chúng thường được sử dụng cùng nhau); Ví dụ: thực phẩm chức năng – dịch vụ nhà thuốc; dịch vụ nhà thuốc – dịch vụ khám chữa bệnh; dịch vụ mua bán phở, bún – dịch vụ quán phở,….
  • Giữa chúng có mối liên quan chặt chẽ với nhau về phương thức thực hiện (sản phẩm, dịch vụ này là kết quả của việc sử dụng, khai thác sản phẩm, dịch vụ kia). Ví dụ: phần mềm máy tính – thiết kế phần mềm máy tính;…

Theo đó, khi thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu, thẩm định viên sẽ căn cứ những tiêu chí trên để đánh giá sự tương tự về sản phẩm/dịch vụ của nhãn hiệu đăng ký. Trên cơ sở đó sẽ kết luận sản phẩm/dịch vụ của nhãn hiệu đăng ký có bị trùng lặp/tương tự gây nhầm lẫn với sản phẩm/dịch vụ của nhãn hiệu đối chứng hay không và nhãn hiệu có đáp ứng hay không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ.

Trên đây là các thông tin cơ bản có liên quan đến việc đánh giá tính tương tự của sản phẩm, dịch vụ khi đăng ký nhãn hiệu theo quy định pháp luật hiện hành. Nếu bạn có bất cứ thắc mắc hoặc cần tư vấn, giải đáp, xin vui lòng liên hệ với Chúng tôi để được hỗ trợ nhanh nhất.