CÔNG TY TNHH TƯ VẤN VÀ TRUYỀN THÔNG UNIBRAND

THỦ TỤC ĐĂNG KÝ SÁNG CHẾ TẠI VIỆT NAM

740 lượt xem

I. Căn cứ pháp lý

  • Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2022);
  • Thông tư số 263/2016/TT- BTC ngày 14 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp.

II. Sáng chế là gì? Điều kiện để có thể đăng ký bảo hộ sáng chế tại Việt Nam

Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. (Khoản 12- Điều 4- Luật SHTT VN)

Theo Khoản 1- Điều 58 – Luật SHTTVN quy định: “Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có tính mới: Để được coi là có tính mới thì sáng chế phải chưa được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả hay bằng bất kỳ hình thức nào khác. Chưa được bộc lộ công khai ở đây có thể hiểu là nếu chỉ có 1 số người có quyền hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về sáng chế đó.

b) Có trình độ sáng tạo: Để được coi là có trình độ sáng tạo thì sáng chế đó phải là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.

Như vậy, sáng chế phải được tạo ra từ quá trình đầu tư sáng tạo nhất định, phải là thành quả của ý tưởng sáng tạo nổi trội, có thể nhận biết rõ ràng thì mới đủ điều kiện bảo hộ. (Điều 61 Luật SHTTVN)

c) Có khả năng áp dụng công nghiệp: Để được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp thì sáng chế cần phải đáp ứng được điều kiện sau:

  • Có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt các sản phẩm;
  • Áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của sáng chế và thu được kết quả ổn định. (Quy định tại Điều 62 Luật SHTTVN )

Bằng độc quyền sáng chế là sự ghi nhận của nhà nước về sự sáng tạo, đóng góp của nhà sáng chế và nó cũng là văn bản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bảo vệ những quyền lợi pháp lý của tác giả hoặc người sở hữu các sáng chế đó.

III. Lợi ích của việc đăng ký sáng chế tại Việt Nam:

  • Chủ sở hữu sáng chế được phép sử dụng và khai thác sáng chế trong vòng 20 năm tính từ ngày nộp đơn đăng ký;
  • Ngăn chặn người không có thẩm quyền được sử dụng, khai thác sáng chế cho mục đích thương mại, giảm thiểu sự cạnh tranh trên thị trường;
  • Xây dựng sự tín nhiệm với các đối tác kinh doanh, từ đó phát triển các kênh thương mại, tăng giá trị doanh nghiệp.

IV. Quy trình thực hiện thủ tục đăng ký sáng chế tại Việt Nam

4.1. Hồ sơ đăng ký sáng chế tại Việt Nam:

  • Về thủ tục đăng ký sáng chế tại Việt Nam, hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm:

a) Tài liệu tối thiểu:

  • Bản mô tả sáng chế;
  • Yêu cầu bảo hộ sáng chế;
  • Bản vẽ (nếu có);
  • Tên và địa chỉ của tác giả sáng chế/ thông tin người nộp đơn/đại diện;
  • Tài liệu khác (nếu có).

b) Tài liệu khác:

  • Giấy ủy quyền (nếu nộp đơn thông qua các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp
  • Tài liệu kèm theo (nếu có).

4.2. Hình thức nộp đơn:

Chủ đơn có thể lựa chọn các hình thức sau đây để tiến hành nộp đơn đăng ký sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ:

  • Hình thức nộp đơn giấy;
  • Hình thức nộp đơn trực tuyến qua Cổng dịch vụ công trực tuyến;
  • Thông qua các bên Đại diện.

a) Hình thức nộp đơn giấy:

Người nộp đơn có thể nộp đơn đăng ký sáng chế trực tiếp hoặc qua dịch vụ của bưu điện đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ.

b) Hình thức nộp đơn trực tuyến:

Điều kiện để nộp đơn trực tuyến: Người nộp đơn cần có chứng thư số và chữ ký số, đăng ký tài khoản trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến và được Cục Sở hữu trí tuệ phê duyệt tài khoản để thực hiện các giao dịch đăng ký quyền SHCN.

Trình tự nộp đơn trực tuyến: Người nộp đơn cần thực hiện việc khai báo và gửi đơn đăng ký nhãn hiệu trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ, sau khi hoàn thành việc khai báo và gửi đơn trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến, Hệ thống sẽ gửi lại cho người nộp đơn Phiếu xác nhận nộp tài liệu trực tuyến.

Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày gửi đơn trực tuyến, người nộp đơn phải đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ vào các ngày làm việc trong giờ giao dịch để xuất trình Phiếu xác nhận tài liệu nộp trực tuyến và tài liệu kèm theo (nếu có) và nộp phí/lệ phí theo quy định. Nếu tài liệu và phí/lệ phí đầy đủ theo quy định, cán bộ nhận đơn sẽ thực hiện việc cấp số đơn vào Tờ khai trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến, nếu không đủ tài liệu và phí/lệ phí theo quy định thì đơn sẽ bị từ chối tiếp nhận. Trong trường hợp Người nộp đơn không hoàn tất thủ tục nộp đơn theo quy định, tài liệu trực tuyến sẽ bị hủy và Thông báo hủy tài liệu trực tuyến được gửi cho Người nộp đơn trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến.

c) Hình thức nộp đơn thông qua Đại diện:

Với hình thức này, Chủ đơn sẽ ủy quyền cho Chúng tôi tiến hành nộp đơn đăng ký sáng chế và thực hiện các công việc liên quan đến đơn đăng ký. Điều này sẽ giảm thiểu việc thất lạc hồ sơ và giúp chủ đơn cập nhật, theo dõi sát sao được trạng thái của đơn đăng ký sáng chế.

UniBrand là một trong những đơn vị dịch vụ tư vấn SHTT. Với hơn 10 năm kinh nghiệm, Unibrand tự tin đồng hành cùng các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tiến hành tục đăng ký, bảo hộ sáng chế.

4.3. Thủ tục đăng ký sáng chế tại Việt Nam

Bước 1: Nộp hồ sơ và phí/ lệ phí tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam

Chủ đơn có thể trực tiếp nộp đơn hoặc thông qua các bên Đại diện Sở hữu trí tuệ tiến hành nộp đơn tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Ngay sau khi nộp đơn đăng ký, Người nộp đơn phải tiến hành nộp phí/lệ phí tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Bước 2: Thẩm định hình thức đơn đăng ký sáng chế

Sau khi Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận, đơn đăng ký sẽ bước vào giai đoạn thẩm định hình thức sáng chế.

Thời gian thẩm định hình thức: 01-02 tháng kể từ ngày nộp đơn đăng ký sáng chế.

Thời hạn công bố Đơn trên Công báo của Cục sở hữu trí tuệ: 02 tháng

Bước 3: Công bố đơn

Sau khi có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, đơn sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.

Trong tháng thứ 19 kể từ ngày ưu tiên đối với đơn được hưởng quyền ưu tiên hoặc ngày nộp đơn, nếu đơn không có ngày ưu tiên hoặc trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ.

Bước 4: Thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế

Được tiến hành khi có yêu cầu thẩm định nội dung;

Đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ (tính mới, trình độ sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp), qua đó xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.

Việc thẩm định nội dung được tiến hành trong thời hạn không quá 18 tháng kể từ ngày công bố đơn nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày công bố đơn hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩn định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn.

Bước 5: Thông báo cấp/ dự định từ chối cấp Bằng độc quyền sáng chế

Kết thúc thời gian thẩm định nội dung, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định cấp hoặc từ chối cấp Bằng độc quyền sáng chế và ghi rõ lý do.

Bước 6: Nộp phí/lệ phí cấp văn Bằng độc quyền sáng chế

Sau khi có thông báo dự định cấp văn bằng, người nộp đơn nộp lệ phí cấp Bằng độc quyền sáng chế.

Cục Sở hữu trí tuệ cấp và công bố Bằng độc quyền sáng chế cho chủ sở hữu trong thời gian 01-02 tháng kể từ ngày nộp lệ phí cấp Bằng độc quyền sáng chế.