CÔNG TY TNHH TƯ VẤN VÀ TRUYỀN THÔNG UNIBRAND

5 Lý do doanh nghiệp nên có cố vấn truyền thông

361 lượt xem

Bạn đang phân vân không biết nên xây dựng chiến lược truyền thông thương hiệu như thế nào và thực hiện ra sao? Đó là lý do bạn cần có một cố vấn truyền thông.

Trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, các thương hiệu và nhãn hàng đều đua nhau quảng bá thương hiệu, khẳng định giá trị để tạo lòng tin với khách hàng. Điều này sẽ giúp họ nâng cao khả năng tiếp cận khách hàng và được người tiêu dùng tin tưởng. Do đó, có thể thấy rằng việc xây dựng thương hiệu là yếu tố rất quan trọng đối với doanh nghiệp ngay từ những ngày đầu thành lập. Và để có thể đi đúng hướng và phát triển bền vững, doanh nghiệp luôn cần có cố vấn truyền thông, người bạn đồng hành cùng doanh nghiệp.

CỐ VẤN TRUYỀN THÔNG LÀ GÌ?

Cố vấn truyền thông là người có kiến thức và chuyên môn về lĩnh vực truyền thông, họ là người đã có kinh nghiệm trong việc phân tích, đánh giá để xây dựng những chiến dịch truyền thông dài hạn cho cá nhân, tổ chức.

Đồng thời, chuyên gia truyền thông cũng là người giúp doanh nghiệp cải thiện tình hình kinh doanh bằng những mục tiêu cụ thể trong kế hoạch truyền thông nhằm giúp khách hàng nhận diện thương hiệu, tiếp cận khách hàng mục tiêu và thu hút khách hàng tiềm năng.

Một số công việc quan trọng mà người làm cố vấn truyền thông cần thực hiện bao gồm: nghiên cứu, phân tích và đánh giá các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp; tiến hành thực hiện các kế hoạch truyền thông cho từng chiến dịch của công ty; xây dựng mối quan hệ giữa doanh nghiệp và báo chí; giám sát và quản lý các chiến dịch truyền truyền thông của doanh nghiệp…

TẦM QUAN TRỌNG CỦA CỐ VẤN TRUYỀN THÔNG ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP

CỐ VẤN TRUYỀN THÔNG GIÚP GÌ CHO DOANH NGHIỆP?

Cố vấn truyền thông có trách nhiệm đo lường được hiệu quả của từng chiến dịch, đánh giá những điểm tiêu cực, tích cực để rút kinh nghiệm cho những chiến dịch tiếp theo. Đồng thời, cố vấn sẽ là người đảm bảo mục tiêu đã đề ra được hoàn thành đúng thời hạn và đạt được hiệu quả tích cực. Bên cạnh đó, họ còn là người giúp doanh nghiệp có được định hướng chính xác trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu trong ngắn hạn và dài hạn.

Như vậy, có thể thấy vai trò và trách nhiệm của chuyên gia tư vấn truyền thông rất quan trọng đối với quá trình xây dựng thương hiệu và trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

CỐ VẤN TRUYỀN THÔNG GIÚP DOANH NGHIỆP ĐỊNH VỊ GIÁ TRỊ THƯƠNG HIỆU

Công việc quan trọng của một cố vấn truyền thông chính là nghiên cứu, phân tích và đánh giá được các yếu tố ảnh hưởng đến thương hiệu của doanh nghiệp. Sau đó, từ kết quả phân tích và đánh giá đó, cố vấn sẽ giúp doanh nghiệp định vị được giá trị thương hiệu, biết được thương hiệu đang ở đâu trong lòng khách hàng và làm cách nào để tạo được lòng tin với khách hàng, giúp khách hàng ghi nhớ thương hiệu một cách lâu dài.

Chẳng hạn, doanh nghiệp của bạn mới thành lập, khách hàng sẽ sẽ chưa biết được chính xác về những điều mà bạn có thể mang lại cho họ và lý do vì sao họ phải chọn bạn thay vì những đối thủ khác. Lúc này, chuyên gia truyền thông sẽ là người hoạch định các chiến lược nhằm tiếp cận khách hàng với các nội dung, hình ảnh, các bài PR… gần gũi, thu hút được sự quan tâm từ công chúng. Điều này sẽ thúc đẩy sự nhận diện thương hiệu và giúp thương hiệu dần định vị được giá trị trong lòng của khách hàng.

CỐ VẤN THƯƠNG HIỆU PHÙ HỢP VỚI GIÁ TRỊ DOANH NGHIỆP

Mỗi thương hiệu đều có những sứ mệnh và mục đích khác nhau, đặc biệt là về sản phẩm và dịch vụ… do đó, họ cần có những chiến dịch truyền thông riêng biệt, phù hợp với giá trị của mình. Cố vấn thương hiệu sẽ là người giúp họ làm được điều đó. Cố vấn là người tìm hiểu và nắm rõ các thông tin liên quan đến doanh nghiệp để đưa ra những kế hoạch phù hợp nhất.

Cố vấn truyền thông là người ‘’bạn chiến lược’’ của doanh nghiệp. Một người ‘’bạn’’ có sự thấu hiểu, tin tưởng nhất định thì mới có thể đưa ra những lời khuyên, kế hoạch phù hợp, tốt nhất với người bạn của mình. Việc xây dựng chiến lược truyền thông phù hợp với giá trị của doanh nghiệp là rất quan trọng vì đây là sợi dây liên kết để công chúng luôn ghi nhớ về doanh nghiệp một cách trung thực, trực diện và khách quan. Vì vậy, khi chọn người cố vấn truyền thông doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ chọn ‘’Người bạn’’ tin tưởng mà còn phải là một người có kinh nghiệm và giỏi chuyên môn để đưa ra chiến lược tốt nhất mang lại giá trị và hiệu quả cho thương hiệu.

NGHIÊN CỨU VÀ PHÂN TÍCH ĐỂ DOANH NGHIỆP ĐƯA RA GIẢI PHÁP

Thông thường, để xây dựng trọn vẹn một bộ phận truyền thông sẽ tốn kém rất nhiều chi phí. Do đó, tìm kiếm một cố vấn truyền thông để hợp tác là giải pháp tiết kiệm và phù hợp với hầu hết các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc tìm kiếm được một cố vấn thích hợp lại không hề dễ dàng.

“Một cố vấn truyền thông có tâm và có nhiều kinh nghiệm, họ sẽ không áp đặt những suy nghĩ và phân tích của mình lên doanh nghiệp mà luôn lắng nghe và chia sẻ để đưa ra giải pháp tốt nhất”, đó là chia sẻ của Bà Nguyễn Thu Len.

Hơn thế nữa, người giữ vai trò cố vấn chỉ có thể thực hiện tốt vai trò và nhiệm vụ của mình khi họ thật sự thấu hiểu được những giá trị mà doanh nghiệp muốn hướng đến. Để làm được điều này, họ cần lắng nghe khách hàng của mình, sau khi nghiên cứu và phân tích, cố vấn sẽ giúp doanh nghiệp định hướng và đưa ra giải pháp khả thi nhất.

CỐ VẤN MỞ RỘNG VÀ TRUYỀN THÔNG THƯƠNG HIỆU

Ngoài các chiến dịch truyền thông cố định để giữ mối liên kết với công chúng, cố vấn truyền thông sẽ là người đưa ra những tư vấn, giúp doanh nghiệp mở rộng việc phát triển và truyền thông thương hiệu.

Việc truyền thông thương hiệu đòi hỏi thời gian dài và liên tục, cần có những chiến dịch mới và tạo được điểm nhấn trong lòng công chúng. Để làm được điều này sẽ không hề dễ dàng nếu doanh nghiệp không có một cố vấn chuyên môn. Họ sẽ là người biết được nhu cầu thị hiếu và xu hướng của công chúng để ứng dụng vào việc truyền thông thương hiệu, mở rộng sự phát triển của thương hiệu từ nhỏ đến lớn và tạo được vị trí vững chắc trong lòng khách hàng.

CỐ VẤN CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN KHỦNG HOẢNG TRUYỀN THÔNG

Một trong những vấn đề mà doanh nghiệp nào cũng phải đối mặt đó là khủng hoảng truyền thông. Đối với những doanh nghiệp không có nhiều kinh nghiệm trong truyền thông, việc xảy ra các sai sót về nội dung, hình ảnh… làm dẫn đến khủng hoảng truyền thông là rất thường xuyên. Nếu không giải quyết kịp thời, dập tắt ngay từ khi bắt đầu thì điều này sẽ dẫn đến các vấn đề lớn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu của doanh nghiệp.

Do đó, các doanh nghiệp cần có một cố vấn truyền thông, người luôn hoạch định được những rủi ro trong các chiến dịch để đề ra giải pháp phù hợp. Đồng thời, cố vấn luôn là người có mối quan hệ rộng với báo chí, luôn có nguyên tắc xử lý khủng hoảng riêng mà chỉ những người có kinh nghiệm và chuyên môn mới làm được.